Những thủ tục cần thiết khi mua nhà không chính chủ
Trên thực tế và kinh nghiệm bản thân của chúng tôi thì việc anh muốn giao dịch căn hộ ngay thời điểm này vẫn có phương án để giải quyết được.
Hỏi: Tôi đang có nhu cầu mua một căn hộ, nhưng căn hộ đó không có chính chủ, mà chủ cũ của căn nhà lại ủy quyền cho em gái bán. Vậy, nếu mua tôi phải làm thủ tục gì để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình? Tôi xin chân thành cảm ơn! (Lê Việt Bách, vietbach@gmail.com).
Trả lời
Theo dữ kiện anh cung cấp thì tình trạng pháp lý căn hộ tóm tắt lại là đã mua bán và được bàn giao, hiện đang chờ cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Căn cứ vào pháp luật và thực tiễn áp dụng chúng tôi có đưa ra giải pháp như sau để bạn tham khảo:
Theo quy định tại Điểm 3, Điều 21 Thông tư 16/2010/TT-BXD ngày 01/9/2010 hướng dẫn Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010, có quy định: “… Trường hợp uỷ quyền quản lý, sử dụng, trông coi nhà ở và uỷ quyền bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho nhà ở (hoặc uỷ quyền định đoạt nhà ở) thì bên uỷ quyền chỉ được lập văn bản uỷ quyền và cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực chỉ được công chứng, chứng thực việc uỷ quyền này khi nhà ở đã được xây dựng xong (bên uỷ quyền đã có một trong các giấy tờ: giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở; biên bản bàn giao nhà ở hoặc biên bản hoàn công công trình nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng”.
Do đó, căn cứ vào quy định của pháp luật thì căn hộ nêu trên chưa thể làm thủ tục công chứng mua bán căn hộ ngay thời điểm này được mà phải chờ đến khi được cấp Giấy chứng nhận. Hiện tại chỉ có thể làm ủy quyền có công chứng cho anh được quản lý và sử dụng, làm các giấy tờ cấp Giấy chứng nhận và sau khi có giấy chứng nhận thì anh được phép giao dịch tài sản đó.
Trên thực tế và kinh nghiệm bản thân của chúng tôi thì việc anh muốn giao dịch căn hộ ngay thời điểm này vẫn có phương án để giải quyết được.
Thứ nhất, để đảm bảo việc giao dịch của anh là có thật thì anh có thể trọn hình thức đặt cọc để mua căn hộ nêu trên, quy định của pháp luật việc đặt cọc không bắt buộc phải công chứng.
Thứ hai, ngoài hợp đồng đặt cọc để đảm bảo tốt hơn cho anh thì kết hợp làm Hợp đồng ủy quyền để đảm bảo anh luôn theo sát tình trạng pháp lý căn hộ của mình. Ngoài ra trong hợp đồng ủy quyền anh có thể đưa vào nội dung được định đoạt căn hộ (như mua bán, tặng cho…) sau khi được cấp Giấy chứng nhận. Điều đó có thể đảm bảo rằng sau này khi anh được cấp Giấy chứng nhận anh vẫn có thể thay mặt và nhân danh chủ ban đầu để bán cho người thứ ba nếu anh không muốn ở. Trước khi ký hợp đồng này anh nên yêu cầu chủ căn hộ và người chào bán ký hủy Hợp đồng ủy quyền cũ rồi ký mới cho mình để tránh rủi ro với người thứ ba.
Leave a Reply